Đánh giá Cố Luân Khác Tĩnh Công chúa

Cố Luân Khác Tĩnh Công chúa còn có một xưng hô là "Hải Bạng Công chúa" (海蚌公主). Thực tế "Hải Bạng" là mãn văn, nghĩa là "Tham mưu, nghị sự". Đương thời, Khác Tĩnh Công chúa là một nhân vật quyền khuynh Mạc Bắc, Mạc Nam. Phủ Công chúa đặt tại Quy Hóa gần như trở thành một "vương quốc độc lập". Chẳng những không chịu sự quản hạt của Quy Hóa Tướng quân, Đốc thống nha môn mà Tướng quân, Đốc thống nha môn còn phải quỳ thỉnh an bà. Hơn nữa, Công chúa còn đặt chân vào vũ đài chính trị, tham gia vào những quyết sách.

Năm Khang Hi thứ 48 (1709), Đa Nhĩ Tể Đức Nhĩ Ách Ni A Hải (Thổ Tạ Đồ Hãn đời thứ 4) sau khi được sự đồng ý của Khác Tĩnh Công chúa đã lập ra "Khách Nhĩ Khách tam kỳ đại pháp quy". Tuy rằng Đại pháp quy này cũng cần thông qua sự đồng ý của Khang Hi Đế nhưng cũng đủ cho thấy vai trò và địa vị của Công chúa. "Công chúa phủ chí" chép bà "Cung kiệm nhu thuận, bất đãi Hoàng gia chi kiêu, nhàn vu lễ giáo".

Sau khi Khác Tĩnh Công chúa xuất giá, Khách Nhĩ Khách bộ không còn nổi lên nội chiến, toàn lực chĩa mũi nhọn về Cát Nhĩ Đan. Ba bộ của Khách Nhĩ Khách (thời Ung Chính lại phân ra Tái Âm Nặc Nhan bộ, trở thành 4) đều trở thành phụ thuộc của nhà Thanh, tạo thành một bản đồ thống nhất của nhà Thanh, xúc tiến giao lưu văn hóa, kinh tế giữa nhà Thanh và các bộ tộc Mông Cổ. Công chúa còn dùng khả năng của bản thân, sáng lập một mạng lưới Bắc quốc thương mậu hoàng kim. "Công chúa phủ chí" đối với Khác Tĩnh Công chúa có đánh giá rất cao "Ngoại Mông Cổ nhị bách dư niên, tiềm tâm nội phủ giả, diệc thử Công chúa". Trong số các Hoàng nữ của Khang Hi gả đến Mông Cổ, cuộc hôn nhân này của Khác Tĩnh Công chúa là có ý nghĩa lớn nhất, bà cũng là người đầu tiên xa giá đến Khách Nhĩ Khách Mông Cổ.

Công chúa gả đến Mông Cổ không chỉ lấy hạnh phúc cả đời của mình đổi lấy ràng buộc giữa 2 tộc Mãn - Mông mà còn chân chính trở thành người giám quốc của Hoàng triều tại Mông Cổ[12].